Đề bài: Phân tích nghệ thuật lập luận kết hợp với biểu cảm của bài tựa "Trích diễm thi tập" của Hoàng Đức Lương.

Bài văn mẫu

   Kết thúc bài Tựa "Trích diễm thi tập", Hoàng Đức Lương có viết:...Ở cuối các quyển ấy, mạn phép phụ thêm những bài vụng về do tôi viết, cốt để làm sách dạy trong gia đình. Điều đó có nghĩa là khi tuyển tập những bài thơ hay để soạn Trích diễm thi tập, Hoàng Đức Lương có phụ thêm vào đó những sáng tác của mình. Tất nhiên, đó chỉ là cách nói khiêm nhường của Hoàng Đức Lương nhưng thực tế, đến ngày nay, tên tuổi của Hoàng Đức Lương được biết đến không chỉ vì tư cách một nhà thơ mà bởi nghệ thuật lập luận kết hợp với biểu cảm tuyệt vời mà ông đã thể hiện trong Tựa "Trích diễm thi tập".

   Bài Tựa mang hình thức ngắn gọn nhưng có một bố cục chặt chẽ. Bài Tựa có bố cục ba phần. Phần thứ nhất tác giả trình bày lí do biên soạn, phần thứ hai thuật lại quá trình hoàn thành Tựa "Trích diễm thi tập", nội dung và kết cấu tác phẩm.

   Trong phần trình bày những nguyên nhân khiến thơ văn không lưu hành hết ở các đời, trước hết Hoàng Đức Lương nêu lên thực trạng tình hình di sản thơ ca Việt Nam thời bấy giờ vì ông muốn người đọc nhận thức rằng Trích dễm thi tập ra đời không phải do ý kiến chủ quan của cá nhân ông mà do yêu cầu của thời đại. Sau đó, tác giả mới trình bày sáu nguyên nhân. Các nguyên nhân lại chia thành chủ quan và khách quan. Bốn nguyên nhân chủ quan là: Chỉ thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca; người có học thì ít để ý đến thơ ca; người quan tâm đến thơ ca thì không đủ năng lực và tính kiên trì; chính sách in ấn của nhà nước. Hai nguyên nhân khách quan là: Thời gian làm hủy hoại sách vở; binh hỏa làm tiêu hủy thư tịch.

   Ở phần hai, Hoàng Đức Lương đã cho người đọc thấy rõ những khó khăn, vất vả trong việc sưu tầm thơ ca. Các thư tịch cũ không còn, tác giả nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát, hỏi quanh khắp nơi, thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm trong triều rồi phân loại, chia quyển.

   Trích diễm thi tập gồm sáu quyển, được chia làm hai phần, phần chính gồm thơ ca tác gia của các tác gia từ thời Trần đến đầu thời Lê, phần phụ lục là thơ ca củ chính tác giả.

   Đan xen với các ý đã được xếp đặt một cách mạch lạc là những câu, những từ giàu sắc thái biểu cảm. Khi trình bày động cơ biên soạn Trích diễm thi tập, tác giả đã trực tiếp bày tỏ nỗi đau xót trước thực trạng thơ ca của dân tộc, cảm thấy lòng tự tôn dân tộc bị tổn thương: Than ôi! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, à phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. Và kết thúc nguyên nhân khiến Hoàng Đức Lương phải biên soạn Trích diễn thi tập là lời than, gợi tình cảm người đọc đối với thực trạng di sản thơ văn lúc bấy giờ: Như thế chả đáng thương xót lắm sao!

   Nghệ thuật biểu cảm của Hoàng Đức Lương không chỉ được thể hiện trong những câu cảm thán trực tiếp mà còn ở các hình ảnh giàu sức gợi tả như giấy tàn, vách nát, ở cách so sánh Đối với thơ văn, cổ nhân ví như khoái chá, ví như gấm vóc...hay ở những câu hỏi tu từ: Nước ta từ nhà Lí , nhà Trần dựng nước đến nay, vẫn có tiếng là nước văn hiến, những bậc thi nhân, tài tử đều đem sở trường của mình thổ lộ ra lời nói, lẽ nào không có người hay?...Tất cả những biện pháp nghệ thuật trên đều góp phần gia tăng sức biểu cảm cho bài Tựa, nhờ đó mà áng văn nghị luận không trở ên khô khan mà trái lại rất thuyết phục.

   Bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ và lời lẽ thiết tha, Tựa "Trích diễm thi tập" đã thể hiện niềm tự hào, sự chân trọng và ý thức bảo tồn di sản văn học dân tộc của Hoàng Đức Lương. Suy cho cùng, đó chính là biểu hiện của lòng yêu nước, của niềm tự hào dân tộc.