Chuyên mục: Văn mẫu: Tràng Giang (Huy Cận)

Đề bài: Phân tích bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận

Bài văn mẫu

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã từng viết: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Như vậy Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ mới, với hồn thơ buồn man mác, giàu chất suy tưởng, hàm súc và triết lí. “Tràng giang” là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho phong cách thơ Huy Cận, bộc lộ nỗi sầu của cái tôi cá nhân cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, ẩn đằng sau đó là cả một tình người, tình đời và lòng yêu nước sâu sắc, thầm kín.

Bài thơ ban đầu có tên “Chiều trên sông” sau đổi thành “Tràng giang” được in trong tập “Lửa thiêng”_tập thơ đầu tay của Huy Cận bao trùm lên là cảm xúc nỗi buồn mênh mông của tác giả về cuộc đời và kiếp người. “Tràng giang” được bắt nguồn cảm hứng vào một chiều thu 1939 Huy Cận đứng ở bờ Nam bến nước Chèm nhìn cảnh sông Hồng sóng nước mênh mông mà buồn về cho thân phận mình và những kiếp người nhỏ nhoi. Khi ấy ông đã rời quê hương ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh Nông mang trong mình nỗi sầu của lứ thứ xa quê, và tình cảnh của người thanh niên trước hoàn cảnh nước nhà bị xâm lăng nên ông đã gửi vào hồn thơ nỗi buồn nhân thế và thầm kín thể hiện tình yêu đất nước.

“Tràng giang” (sông dài) nhan đề gợi ra cho ta cảm giác mênh mông, dài rộng. Đây lại còn là một từ Hán Việt nên gợi sự cổ kính, cổ điển. Nhà thơ không nói về tên của dòng sông cụ thể mà nhan đề chỉ mang tính chất gợi và khái quát. Bên dưới nhan đề là lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” vừa thể hiện nội dung tư tưởng, vừa gợi mở cảm hứng bao trùm và cảm xúc chủ đạo của toàn tác phẩm. Trong bài thơ này đó là cảm xúc chủ đạo là nỗi buồn bâng khuâng của nhà thơ trước cảnh thiên nhiên rộng lớn.

Thi sĩ chọn điểm nhìn từ bên trên quan sát toàn cảnh dòng sông dài rộng bên dưới với các hình ảnh nổi lên:

    “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

    ...Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Trên bề mặt là “sóng gợn” sự chuyển động nhẹ nhàng, phẳng lặng, tan theo gió trời. Không gian ở đây được mở ra thật vắng vẻ, buồn hiu với cụm từ “buồn điệp điệp”. Từ láy “điệp điệp” cho thấy nỗi buồn ấy hiện lên dai dẳng, triền miên như từng lớp sóng nước mênh mông. Đây là nỗi sầu không dứt của nhà thơ khi đứng trước thiên nhiên bao la, bỗng thấy mình trở nên cô đơn, nhỏ bé. Hình ảnh con thuyền hiện lên giữa dòng sông gợi về kiếp người nổi trôi, lênh đênh, gợi về sự cô đơn chi tiết “xuôi mái” cho thấy sự phó mặc, buông xuôi. Thuyền và nước thường phải có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng ở đây ta thấy nó như rời rạc, tách nhau ra bởi “thuyền xuôi” còn “mái nước song song”, thuyền và nước lại ngược hướng với nhau “thuyền về nước lại” tạo ra sự tan tác, li biệt và ngăn cách. Nỗi sầu của nước tan chảy ra trăm ngả trên sông. Nỗi sầu ấy cũng là nỗi sầu nhân thế của thi nhân mang tâm trạng chán nản, buồn tủi. Hình ảnh con thuyền bơ vơ, cô độc là một thi liệu quen thuộc đã từng xuất hiện trong thơ xưa như: “Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ Duy kiến trường giang thiên tế lưu” (Bóng buồm đã khuất bầu không/ Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời). Hình ảnh cành củi khô ở câu cuối thật ấn tượng và đầy ám ảnh. Đúng ra là một cành củi khô nhưng Huy Cận đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ “Củi một cành khô” để nhấn mạnh đặc điểm đối tượng và làm cho câu thơ thêm ấn tượng độc đáo, sinh động. Cành củi lìa rừng xanh bơ vơ trôi dạt giữa dòng sông rộng lớn cho thấy sự cô đơn, nhỏ bé và lạc lõng, lênh đênh vô cùng. Hình ảnh ấy khiến ta liên tưởng tới câu thơ của Hồ Xuân Hương: “Chiếc bách buồn về phận nổi nênh/ Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh” gợi về thân phận nổi trôi của người phụ nữ trong xã hội xưa. Như vậy bốn câu thơ đầu mở ra một khung cảnh sông nước mênh mông bao la, bát ngát nổi lên trên nền đó là các sự vật nhỏ bé, lìa tan nhuốm màu tâm trạng buồn tủi của nhà thơ.

Không còn là điểm nhìn giữa dòng sông nhà thơ chuyển hướng sang cảnh bên bờ sông được đặc tả ở khổ thơ thứ hai:

    “Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu

    ...Sông dài trời rộng bến cô liêu”

Trong một câu thơ mà có đến hai từ láy xuất hiện “lơ thơ”, “đìu hiu” gợi âm điệu nhẹ nhàng cũng như chuyển động của sự vật trong con mắt thi nhân rất khẽ khàng, uyển chuyển. Gió ở đây không phải là cơn cuồng phong thịnh nộ hay trường phong_cơn gió dài mà ở bên kia cồn cỏ lơ thơ ấy chỉ là cơn gió nhè nhẹ thoáng qua đủ để ta cảm nhận. Quang cảnh đã thay đổi nhưng nỗi niềm cảm xúc vẫn chỉ có thể, vẫn bao trùm lên là nỗi buồn. Chợ chiều vốn dĩ đã buồn nay lại được đặc tả trong lúc đã vãn, không có bóng người hiện lên nhà thơ không nhìn thấy mà chỉ nghe tiếng “làng xa vãn chợ chiều”, từ đâu như vừa dùng để hỏi cũng là vừa phủ định làm gì có tiếng chợ chiều nào. Chợ chiều ở làng xa đó có thật hay chỉ trong kí ức, tâm tưởng nhà thơ dội về. Có lẽ là tiếng chợ chiều vọng về từ quá khứ thuở xưa bởi giữa đất trời mênh mông sông nước ấy làm sao có thể nghe thấy âm thanh của chiều quê. Phải chăng nhà thơ đang nhớ quê hương nên hồi tưởng lại. Cái nhìn của thi nhân lại chuyển hướng lên trời cao để quan sát cảnh vật khi chiều tà đó là mặt trời đã ngả về Tây “Nắng xuống trời lên sâu chót vót”, theo lẽ thông thường ta phải nhìn thấy cái cao vút vô tận của bầu trời còn thi nhân lại thấy được bề sâu, từ láy “chót vót”cũng thật đặc biệt thường thì người ta nói cao chót vót chứ chưa ai bảo sâu chót vót. Huy Cận thật sáng tạo khi tả bề sâu để nói chiều cao, bởi trời càng cao thì càng sâu thăm thẳm. Giữa khoảng trời mênh mông ấy là con sông dài, trời rộng chỉ còn bến cô liêu. Cô liêu là từ Hán Việt để chỉ sự trơ trọi, vắng vẻ, u tịch của cảnh vật. Dù không nói đến bóng dáng con người nhưng ta cũng thấy thấp thoáng bóng cô đơn của thi nhân đang bơ vơ giữa bầu không rộng lớn.

Dường như nhà thơ chỉ quan sát quẩn quanh từ sông đến trời, từ trời cao lại trở về sông. Giờ đây không còn con thuyền cũng chẳng có cành củi khô thay vào đó là những hình ảnh mới:

    “Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng

    ...Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Xưa nay kiếp duyên bèo nước luôn gợi đến thân phận, nổi trôi, lênh đênh phiêu dạt của kiếp người. Nguyễn Dũ đã từng dùng hình ảnh cánh bèo để thể hiện cho cuộc đời Kiều: “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”. Nhưng bèo trong thơ Huy Cận không phải một cánh, vài ba cánh hay là một đám bèo mà là “hàng nối hàng” cứ lần lượt nối tiếp nhau chảy xuôi dòng nước chẳng biết trôi dạt về nơi nào. Mênh mông vời vợi con nước không một chuyến đò ngang, không một chiếc cầu. Thi nhân muốn có gì đó để bấu víu lấy cảm xúc cho đỡ trơ trọi nhưng đổi lại chỉ là một chữ không được điệp lại hai lần ở câu trên và câu dưới chỉ còn biết lặng lẽ với bờ xanh tiếp bãi vàng. Mọi thứ trở nên tĩnh lặng vô cùng, dường như sự sống ở đây chỉ có một mình nhà thơ với cảnh vật. Cảnh đẹp mà cô liêu, ảm đạm, sầu thảm như chính tâm hồn thi nhân.

Nhà thơ lại chuyển điểm nhìn lên trời cao với mây, núi, cánh chim nghiêng khiến cho tâm trạng nhớ nhà của đứa con xa quê càng thêm sâu sắc:

    “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    ...Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Cảnh hoàng hôn thường là rất đẹp, mà qua cái nhìn thi nhân nó lại càng đẹp hơn. Thơ xưa đã có biết bao thi nhân tả chiều vàng ấy như trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có một câu viết rất hay về cảnh hoàng hôn:”Nhật mộ đăng cao, bi mạc bi” (Nắng cuối lên cao, thương ngập thương). Người nhìn cảnh mênh mông bao la của buổi chiều trong núi mà trong lòng ngập tràn cảm giác thê lương, buồn thảm không duyên không cớ. Nỗi buồn ấy đượcc tạo ra từ tâm hồn thi sĩ trước cảnh vật làm nên hồn thơ say đắm lòng người. Ở đây Huy Cận cũng vậy nhìn cảnh hoàng hôn mây từng lớp từng lớp chồng lên nhau tạo thành núi bạc khi có nắng chiều chiếu vào. Hình ảnh trong câu thơ rất đỗi quen thuộc bởi khi xưa Đỗ Phủ đã từng viết: “Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm/Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Từ “đùn” tạo cảm giác uể oải, chậm chạp như những đám mây đang đùn đẩy nhau. Hình ảnh cánh chim nhỏ dưới bóng chiều buông xuống mang nặng tư tưởng tác giả. Cánh chim ẩn dụ cho những kiếp người nhỏ bé bị bão táp cuộc đời xô đẩy, chao nghiêng đôi cánh. Cũng là ẩn dụ cho cái tôi cá nhân phiền não của thi nhân trải nỗi buồn ra khắp không gian. Hình ảnh cánh chim cũng là một thi liệu cổ điển ta đã từng bắt gặp trong thơ của Lí Bạch là “Chúng điểu cao phi tận” hay cánh chim mỏi trong thơ Hồ Chí Minh “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ”. Bức tranh thiên nhiên với nét cổ điển trong thi liệu đã Huy Cận tạo dựng thật đặc sắc, ẩn đằng sau đó là cái tôi nhỏ bé của nhà thơ.

Hai câu thơ cuối thật ấn tượng bởi nó được gợi từ hai câu thơ trong bài “Lầu Hoàng Hạc” của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” nếu tiền nhân đời Đường bên Trung Hoa nhìn khói sóng trên sông mà nhớ quê hương thì Huy Cận “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi nhớ thương quê hương của tác giả luôn thường trực trong ý thức, thấm thía trong từng cảm giác. Nỗi nhớ ấy chưa hề vơi cạn mà cũng hiện lên lớp lớp như con sóng qua từ láy “dợn dợn”. Nỗi nhớ, nỗi buồn sầu của Huy Cận là nỗi buồn của một lớp trí thức lúc bấy giờ đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”.

Như vậy bằng bút pháp cổ điển và hiện đại, ngôn từ được chắt lọc, nhiều từ láy gợi hình , gợi cảm được sử dụng đã vẽ nên một bức tranh sông nước, mây trời mênh mông vô tận hiện lên một cái tôi cá nhân bé nhỏ, cô đơn trước cuộc đời. Bài thơ bên cạnh tả cảnh thiên nhiên đẹp mà buồn còn thể hiện một tâm hồn yêu tha thiết sự sống cảnh vật và tình yêu quê hương đất nước sâu sắc mà thầm kín của thi sĩ.