Đề bài: Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh
Bài văn mẫu
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng phong phú, đặc sắc. Với trí tưởng tượng phong phú, tài hoa các tác giả dân gian đã dựng lên bức chân dung các nhân vật chính diện thật tuyệt mĩ, hoàn hảo, không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp cả phẩm chất bên trong. Thạch Sanh là một truyện cổ tích như vậy.
Thạch Sanh là truyện cổ tích thần kì, nhân vật thuộc kiểu người dũng sĩ, đây là mô típ phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Câu chuyện với những tình tiết bất ngờ, hợp lí đã tạo nên sức hấp dẫn với người đọc.
Trước hết tác phẩm là bài ca ca ngợi người anh hùng lí tưởng Thạch Sanh trong cuộc đấu tranh lại cái ác. Thạch Sanh vốn là con Ngọc Hoàng, nhưng được sai xuống đầu thai làm con của một gia đình nghèo khó, hiền lành, tốt bụng. Sự ra đời của Thạch Sanh cũng ẩn chứa rất nhiều điều kì lạ. Người mẹ sau nhiều năm mang thai mới sinh ra Thạch Sanh. Khi cậu vừa khôn lớn thì mẹ qua đời. Thạch Sanh sống một mình trong túp lều cũ cạnh gốc đa, hàng ngày kiếm củi bán để sống. Sự ra đời của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những cái bình thường và phi thường. Điều bình thường ở Thạch Sanh đó là được sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi cha mẹ chết cậu làm nghề kiếm củi để nuôi sống bản thân. Nhưng điểm nhấn của nhân vật chính là yếu tố phi thường: mẹ mang thai vài năm mới sinh, được các thiên thần dạy đủ các môn võ nghệ và phép thần thông. Sự ra đời và lớn lên kì lạ như vậy như một tín hiệu báo những chiến công oanh liệt của Thạch Sanh sau này. Mang trong mình sự hài hòa giữa nét bình thường và khác thường còn cho ta thấy rằng những con người bình thường cũng có thể mang trong mình những khả năng, phẩm chất khác thường.
Cũng như các nhân vật truyện cổ tích khác, Thạch Sanh phải trải qua rất nhiều thử thách khác nhau để khẳng định bản thân và đến được bến bờ hạnh phúc, đồng thời cho thấy quá trình đấu tranh thiện, ác gian nan của chàng. Là một người mồ côi, luôn khao khát được yêu thương, bởi vậy khi Lý Thông ngỏ lời kết nghĩa anh em, Thạch Sanh đã lập tức đồng ý. Ta thấy rằng Lý Thông không hề có lòng tốt khi kết nghĩa với Thạch Sanh mà chỉ muốn lợi dụng chàng. Thử thách đầu tiên mà Thạch Sanh phải trải qua là thử thách lòng tin. Lý Thông nói dối để Thạch Sanh đi canh miếu thờ, mà thực chất là đẩy Thạch Sanh đến chỗ chết, Lý Thông là kẻ hết sức mưu mô, xảo quyệt, ích kỉ vì mạng sống của mình mà đẩy người anh em vào chỗ chết. Vốn là người hiền lành nên chàng tin lời anh ngay, trong đêm canh miếu, Thạch Sanh không những không bị giết mà còn đánh bại chằn tinh. Qua những việc làm đó cho thấy Thạch Sanh là một người thật thà, chất phác.
Lý Thông tiếp tục tỏ ra là tên gian xảo, một lần nữa lừa Thạch Sanh, khiến chàng bỏ về túp lều cũ, còn hắn thì đàng hoàng nhận lấy công trạng và lĩnh thưởng. Công chúa bị đại bàng bắt đi, Thạch Sanh nghĩa hiệp mang cung tên vàng ra bắn bị thương con chim ác, chàng đã đi theo giấu máu và tìm đến tận cửa hang. Nghe theo lời nhờ cậy của Lý Thông, chàng xuống hang sâu cứu công chúa, nhưng lại bị Lý Thông lấp cửa hang. Ở dưới đó, chàng không hề sợ hãi, tìm đường ra, trên đường tìm lối thoát chàng còn cứu thêm con vua Thủy Tề. Chàng quả là người có tấm lòng nhân hậu và lương thiện. Nói về phần công chúa, sau khi được cứu về nàng hóa câm, đó cũng chính là bằng chứng tố cáo tội ác của Lý Thông.
Tội ác của Lý Thông ngày một gia tăng, được các tác giả dân gian khéo léo xếp theo chiều tăng tiến, ban đầu hắn lợi dụng Thạch Sanh thế mạng cho mình, rồi tiếp đến cướp công một cách trắng trợn, không dừng lại ở đó hắn còn nhẫn tâm giết chết Thạch Sanh. Những tội ác của Lý Thông mỗi ngày một tăng lên cho thấy tính cách xấu xa, xảo quyệt, lòng tham vô đáy, ham mê quyền lực, tiền bạc đến mờ mắt của hắn. Vậy liệu Lý Thông có bị trừng phạt đích đáng hay không?
Quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác ngày càng gay go, quyết liệt, Thạch Sanh không chỉ chịu sự hãm hại của Lý Thông, mà còn bị hồn của đại bàng và chằn tinh báo thù, chàng bị giam vào ngục. Cái ác ngày càng tăng dần về cấp độ thì ta cũng thấy cái thiện cũng ngày một trưởng thành, lớn mạnh hơn. Nhờ có tiếng đàn Thạch Sanh được giải oan, còn mẹ con Lý Thông phải chịu tội. Tiếng đàn chính là tiếng nói của công lý, nhờ có tiếng đàn mà mọi oan khuất của Thạch Sanh đã được hóa giải. Có một điều đặc biệt đó là Thạch Sanh không phải là người trừng phạt tội ác mẹ con Lý Thông mà chính đất trời đã trừng trị chúng. Qua chi tiết đó càng thể hiện rõ tấm lòng bao dung, độ lượng của Thạch Sanh với kẻ đã hãm hại mình. Câu chuyện kết thúc có hậu, Thạch Sanh lấy công chúa, công lí, công bằng đã được thực thi.
Truyện Thạch Sanh không chỉ phản ánh quá trình đấu tranh thiện ác mà còn thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. Lấy công chúa, Thạch Sanh trải qua thử thách cuối cùng: thu phục các nước chư hầu. Với niêu cơm thần và tiếng đàn thần các nước chư hầu phải ngả mũ xin hàng. Chi tiết niêu cơm thần và tiếng đàn thần là hai chi tiết có nhiều giá trị, ý nghĩa. Niêu cơm thần thể hiện mơ ước, khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tấm lòng nhân đạo của dân tộc. Tiếng đàn thần tượng trưng cho khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, Thạch Sanh đã đến được bến bờ hạnh phúc, chung sống cùng công chúa và cai trị đất nước. Đây là phần thưởng xứng đáng cho đức hạnh cũng như tài năng của Thạch Sanh.
Để tạo nên sự hấp dẫn ta không thể không nhắc đến những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật. Thạch Sanh là một truyện cổ tích có cốt truyện hấp dẫn, giàu kịch tính. Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập: Thạch Sanh đại diện cho cái thiện, mẹ con Lý Thông, hồn chằn tinh, đại bàng đại diện cho cái xấu cái ác. Thông qua việc xây dựng hai tuyến nhân vật này nhân dân ta còn khẳng định một đạo lý ngàn đời đó là “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Các chi tiết nghệ thuật được sắp đặt khéo léo, có quan hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, các chi tiết thần kì như cung tên vàng, đàn thần, niêu cơm thần cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, thể hiện mơ ước, khát vọng của nhân dân.
Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích hay và đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Truyện cổ tích Thạch Sanh đã xây dựng thành công hai tuyến nhân vật thiện và ác cùng với những chi tiết thần kì đặc sắc. Tác phẩm đã thể hiện niềm tin, mơ ước của nhân dân ta về đạo lý muôn đời “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” . Không chỉ vậy tác phẩm còn cho thấy tấm lòng nhân đạo và lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.