3 bài văn mẫu Kể về một việc tốt mà em đã làm hay nhất

Đề bài: Kể về một việc tốt mà em đã làm.

Bài văn mẫu 1

    Em từng nghe mẹ nói rằng: “Trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương” nhưng chưa bao giờ em hiểu hết được ý nghĩa của câu nói ấy cho đến khi em giúp đỡ được một bà cụ nghèo khổ, lúc bấy giờ em mới thấy rằng khi trao yêu thương cho người khác không chỉ nhận lại tình yêu của mọi người mà còn đem lại niềm hạnh phúc cho chính bản thân mình.

    Em còn nhớ hôm ấy là một buổi sáng mùa đông, trời đã bớt sương, những tia nắng yếu ớt đã lấp ló xuất hiện, nhưng cái giá buốt vẫn còn trong gió. Chúng em có tiết học thể dục ngoài trời, ai nấy đều co ro vì cái lạnh, hai tay đút chặt vào túi áo không muốn rời. Trong lúc chúng em tự khởi động để chờ cô giáo vào lớp bỗng xuất hiện một bà cụ đã già đang tiến lại gần.

    Người cụ gầy gò, đi liêu xiêu trong gió lạnh. Cụ mặc một chiếc áo không còn nhìn được rõ là màu gì nữa, có lẽ trước đây nó màu đỏ nhưng vì mặc lâu đã chuyển sang màu nâu bạc, trên tay áo đã sờn đi vì mặc nhiều, những vết cáu bẩn ở tay áo làm mọi người chẳng dám đến gần. Đôi tay cụ run lên vì cái lạnh, trên khuôn mặt hiện rõ sự khắc khổ, đôi mắt mờ đi, cái miệng món mém tím lại và run lập cập. Cụ tiến gần tới chỗ chúng em đang tập trung, trên tay cụ cầm một chiếc giỏ có đựng: kẹo cao su, vài gói tăm bông, mấy gói tăm và mấy chiếc bật lửa,… Hình ảnh này quả thực rất quen thuộc với chúng em, vì ngày nào đi học về, ra đến cổng trưởng chúng em đều bị những người như cụ xúm lại vây quanh mời mua. Các bạn của em thấy cụ tiến đến đều đứng tránh sang một bên, cụ mời đến ai bạn đó đều xua tay đến đó. Cụ thất vọng, đi hết bạn này đến bạn khác mong mỏi một tấm lòng hảo tâm sẽ mua giúp cụ. Nhưng đã đi gần hết lớp học rồi mà vẫn chưa có bàn tay đưa ra giúp đỡ cụ. Có những bạn còn bàn tán “bà ấy bẩn quá” “sao lại cho bà ấy vào đây nhỉ”,…

    Rồi bà chầm chập đi đến chỗ em. Em cũng đã định như các bạn khác, chỉ cần xua tay một cái thật lạnh lùng là bà cụ sẽ bỏ đi. Nhưng khi cụ đến gần, ánh mắt cụ nhìn em tha thiết, như van nài làm ơn hãy giúp cụ, lúc bấy giờ em không đủ can đảm để nhấc cánh tay mình lên nữa. Em nhìn lại cụ, rồi lục tìm khắp túi nọ đến túi kia, trong người em không còn một đồng nào để mua giúp cụ. Thực sự lúc đó em cảm thấy mình mới bất lực làm sao, trong lúc cụ cầm em giúp đỡ nhất mà em lại chẳng thể làm gì giúp cụ. Em chợt nhớ mình vẫn còn một chiếc bánh bao được mẹ mua cho ăn sáng, nhưng em chưa kịp ăn thì đã vào lớp. Em quyết định lấy chiếc bánh bao ấy, kính cẩn hai tay biếu cụ và nói:

    - Cụ ơi, cháu chẳng có tiền để mua giúp cụ, chỉ còn chiếc bánh này, cụ cầm lấy và ăn cụ nhé. Lần sau cụ đến cháu nhất định sẽ mua giúp cụ, cụ nhé.

    Em trao chiếc bánh cho cụ, ánh mắt cụ hiện lên vừa rạng rỡ, vừa tràn đầy tình yêu thương. Cụ cầm lấy chiếc bánh, đôi bàn tay lạnh cóng làm cho em giật mình. Chắc hẳn cuộc sống của cụ rất cực khổ, bởi vậy mà đến tuổi này cụ vẫn phải vất vả đi bán hàng rong. Cụ cầm lấy chiếc bánh rồi cảm ơn em, giọng cụ nghẹn lại, khóe mắt đã ươn ướt. Như nghĩ ra điều gì đó, cụ vội lấy trong chiếc giỏ của mình một phong kẹo trao cho em, và bảo đó là quà tặng cho lòng tốt bụng của cháu. Em nhất quyết không cầm và trả lại cho cụ.

    Cụ cầm cả phong kẹo và chiếc bánh trong tay rồi quay đi, bước chân cụ nhanh hơn, các bạn trong lớp quay trở lại giờ học. Em vẫn cố ngoái theo cụ, cụ đi đến chỗ rẽ thì dừng lại, ở góc đường một đứa bé không rõ trai hay gái chạy ra ôm chầm lấy cụ. Có lẽ nó vui lắm vì cụ mang về chiếc bánh cho nó. Một chiếc bánh bé tí hon thôi mà có thể làm nó vui mừng đến vậy. Còn em, đôi khi không biết quý trọng, vứt đi những đồ ăn mẹ đã chuẩn bị, mẹ đã mua cho. Em quả thật là một cô bé hư, từ sau lần ấy em không bao giờ dám vứt đồ ăn đi nữa.

    Việc tốt ấy của em thật nhỏ bé, nhưng em đã cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Chỉ một chiếc bánh nhưng bằng tấm lòng chân thành em đã mang đến niềm vui cho cả cụ và em bé, không chỉ vậy em còn rút ra cho minh những bài học quý giá: phải luôn trân trọng những thứ mình có và giúp đỡ người khác khi có thể.

Bài văn mẫu 2

   Trong cuộc sống đôi khi cho đi cũng là một sự nhận lại. Khi làm điều tốt cho người khác thì chính mình cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Đó là điều em rút ra được từ câu chuyện em sẽ kể dưới đây.

   Đường từ nhà em đến trường cũng không xa lắm nên từ khi lên cấp 2 bố mẹ đã cho em tự đạp xe đến trường. Hằng ngày, khi đi qua đoạn đường gần cổng trường em vẫn hay nhìn thấy một bà cụ ngồi bán vài thứ đồ nhỏ như cái quạt, cái bấm móng tay, móc chìa khóa hay khẩu trang, ... Hôm nào cũng vội đến trường rồi lại vội đạp xe về đá bóng với mấy cậu bạn hàng xóm nên em chẳng bao giờ dừng xe lại trước gánh hàng của bà. Một hôm, tình cờ xe đạp em bị hỏng, nên e phải dắt xe về. Khi dắt xe chầm chậm qua chỗ bà hay ngồi em mới thấy rõ khuôn mặt bà. Chắc bà tuổi cũng đã cao, khuôn mặt đầy những nếp nhăn, đôi mắt như có nét gì đó buồn rầu. Không hiểu sao em cứ đứng ngẩn người ra nhìn từng cử chỉ hành động và ánh mắt bà. Có lẽ bởi cái nhìn nhân từ hiền hậu của bà khiến em nhớ đến người bà yêu quý của mình. Vì trời đã gần tối, xe lại hỏng mà em cũng không có tiền để mua giúp bà thứ đồ gì nên em đành ra về. Không biết bà có người thân không? Sao bà già yếu như vậy mà vẫn phải rong ruổi ngoài đường trong những ngày hè nắng nóng như vậy?

   Sáng hôm sau, em lại đạp xe đến trường như mọi ngày nhưng hôm nay em không quên hướng ánh nhìn ra phía bên đường bà cụ hay ngồi. Bà vẫn ngồi ở đó như mọi khi. Khi tan học, em đã dừng xe và đi về phía bà ngồi. Dù biết không thể cho mua bà thứ gì nhưng em vẫn ngồi để hỏi han, trò chuyện cùng bà. Bà ngồi kể chuyện gia đình của bà cho em nghe như thể em là một người bà đã quen biết từ lâu. Có lẽ bình thường bà cũng không có ai để tâm sự cùng. Nghe chuyện em mới biết, chồng bà đã mất từ lâu, con trai bà vừa mất do tai nạn, ở nhà vẫn còn con dâu và một cậu cháu trạc tuổi em. Bà đi bán hàng kiếm thêm chút tiền để con dâu bà đỡ vất vả. Em ngồi nghe mà nước mắt cứ trào ra, chỉ biết nắm thật chặt bàn tay nhăn nheo của bà. Em chỉ biết hỏi thêm:

   - Thế hôm nay bà đã ăn gì chưa ạ? Bà có đói không ạ?

   Bà nói bằng giọng chậm rãi:

   - Sáng bà ăn tạm mấy cái bánh mì rồi. Bà không đói đâu.

   Em thương bà lắm nhưng không biết làm cách nào. Tối đó, em cứ trằn trọc mãi không thể ngủ được. Hình ảnh bà cụ bán hàng rong lúc chiều cứ hiện về trong tâm trí em. Em chợt nảy ra ý tưởng là mình sẽ mang cơm trưa cho bà cụ để bà không phải ăn bánh mì qua bữa nữa. Sáng hôm sau em em kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe và nói ý định của em với mẹ. Mẹ rất mừng và ủng hộ việc làm của em. Mẹ đã chuẩn bị cho em hai hộp cơm trưa, một hộp cho em và một hộp cho bà cụ. Em vui vẻ đạp xe đi học, đến nơi em liền chạy ra đưa hộp cơm cho bà:

   - Bà ơi, trưa nay bà lấy cơm trong hộp này ăn nhé. Cơm mẹ cháu nấu ngon lắm ạ. Bà đừng ăn bánh mì nữa.

   Ban đầu bà không chịu nhận vì nghĩ em nhịn đói để đưa cơm cho bà. Em giải thích bà mới chịu nhận. Bà nắm lấy tay em và nói:

   - Bà cảm ơn cháu nhiều nhé! Bà sẽ ăn thật ngon!

   Kể từ hôm đó, hôm nào em cũng đem cơm cho bà như một thói quen. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của bà em thấy thật hạnh phúc giống như trút được một gánh nặng nào đó trong lòng. Em cảm thấy mình cũng nhận được một cái gì đó từ bà.

Bài văn mẫu 3

   Tuần trước, trường em phát động phong trào thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Em đã làm được một việc tốt: nhặt được của rơi, trả lại cho người bị mất.

   Trưa thứ năm, trên đường đi học về, qua quãng đường vắng, em nhìn thấy một túi xách nhỏ màu đen nằm ngay giữa đường. Em nhặt lên rồi vừa đi chậm chậm, vừa đưa mắt ngó chừng xem ai là chủ nhân của nó.

   Một lúc sau, vẫn không thấy người tìm kiếm. Em đoán người đánh rơi đã đi xa hoặc không biết rằng mình đã đánh rơi. Nếu biết, chắc giờ này người ấy đang loay hoay tìm kiếm. Ai nhỉ? Một bác cán bộ hay một chú công nhân, một anh bộ đội? Trong chiếc túi này đựng những gì? Tài liệu, giấy tờ hay tiền bạc? bao câu hỏi hiện lên trong óc. Em đưa mắt nhìn quanh lần nữa. Không ai chú ý tới em. Em nghĩ là trả hay không trả? Nếu mình không trả, có ai biết đâu mà trách? Có tiền, mình sẽ mua truyện tranh này, mua quần áo mới này và mua những đồ chơi mà mình ao ước từ lâu. Tưởng tượng đến lúc ấy, em thích lắm, bước chân như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Tiếng thầy Hiệu trưởng trong buổi lệ phát động thi đua như văng vẳng đâu đây: Các em hãy ghi nhớ Năm điều Bác Hồ dạy, cố gắng học tập tốt, tu dưỡng tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi ...

   Không! Không nên tham của người khác! Phải trả lại thôi!

   Chủ nhân chiếc túi xách này sẽ mừng biết bao nếu tìm lại được nó. Nhưng biết ai là người đánh rơi mà trả? Tốt nhất là đem nộp cho các chú công an.

   Giữa trưa, trụ sở công an phường vắng vẻ, chỉ có một chú trực ban. Thấy em ngập ngừng ở cửa, chú vồn vã hỏi:

   - Có chuyện chi đó cháu?

   - Dạ thưa chú, cháu nhặt được cái túi xách này. Cháu đem nộp, nhờ chú trả lại cho người mất ạ!

   Đỡ chiếc túi từ tay em, chú tươi cười xoa đầu em rồi bảo:

   - Cháu ngoan lắm, không tham của rơi! Chú cháu mình xem trong này có những gì để còn ghi vào biên bản.

   Rồi chú lấy ra một xấp giấy tờ chủ quyền nhà, chủ quyền xe và hơn hai trăm ngàn tiền mặt. Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu em viết tên và địa chỉ xuống phía dưới.

   Sáng thứ hai tuần sau, em được thầy Hiệu trưởng và cô Tổng phụ trách tuyên dương trong tiết chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến em vô cùng xúc động. Buổi tối, gia đình em tiếp một người khách lạ. Đó chính là chủ nhân của chiếc túi. Bác cám ơn em mãi và tặng em một trăm ngàn để mua sách vở và đồ chơi nhưng em kiên quyết từ chối.

   Ba mẹ em rất mừng vì em biết làm điều tốt. Lời khen chân thành của mọi người đối với em là phần thưởng quý giá nhất. Nhớ lại chuyện ấy, giờ đây em vẫn thấy vui.