Đề bài: Nghị luận giải thích câu nói: "Rừng vàng biển bạc".

Bài văn mẫu

    Đất nước Việt Nam ta ngoài những điều đáng tự hào như truyền thống đánh giặc ngoại xâm, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo... cũng còn có điều tự hào nữa về vật chất, đó là nước ta đã được mẹ thiên nhiên ưu ái cho nhiều nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú. Người ta ví nước Việt Nam ta là “Rừng vàng biển bạc”.

    Quả thật như vậy, câu thành ngữ: “Rừng vàng biển bạc” đã ca ngợi hai tài nguyên của đất nước ta là tài nguyên rừng và tài nguyên biển, thể hiện niềm tự hào của cha ông về tài sản của đất nước. Đất nước Việt Nam có rừng rậm xanh mát, cây cối tốt tươi, diện tích rừng và biển lớn mang lại nhiềm tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch. Đằng sau niềm tự hào ấy, hẳn cha ông chúng ta cũng có ý nhắc nhở con cháu về ý thức bảo vệ tài sản của dân tộc.

    Sở dĩ có thể ví von nước ta có: “Rừng vàng biển bạc” bởi diện tích đồi núi nước ta chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ, đường bở biển cũng rất dài, diện tích khoảng một triệu mét vuông. Trước kia, khi quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa chưa phát triển như bây giờ diện tích rừng nước ta rất lớn. Rừng được ví như là phổi xanh của trái đất “Nếu thế giới không có rừng không khác gì con người không có phổi”. Rừng còn cung cấp rất nhiều các loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, hương... cho ngành công nghiệp khai thác gỗ, chế biến gỗ. Rừng còn là nơi trú ngụ của nhiều động thực vật quý hiếm, giúp bảo vệ và cân bằng hệ sinh thái. Hơn nữa rừng còn cung cấp nhiều loại dược phẩm quý cho ngành y. Hiện nay, ngành du lịch sinh thái rất phát triển nên rừng sinh thái mang lại giá trị lớn cho du lịch... Còn biển thì sao? Biển nước ta đã được khai thác để phát triển dịch vụ du lịch từ lâu mang lại nguồn thu rất lớn. Cùng với đó biển cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản, cung cấp cát cho ngành chế biến thủy tinh. Ở các bãi biển không phát triển du lịch được thì làm bãi nuôi trồng thủy hải sản. Nguồn lợi từ biển mang lại có cả các mỏ dầu khí cho con người khai thác, sử dụng và xuất khẩu. Các nhà máy điện cũng được xây dựng dựa vào tài nguyên biển. Có thể thấy, rừng và biển đã góp phần giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và đạt hiệu quả như bây giờ.

    Tuy nhiên, với thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên rừng và biển như hiện nay thì chẳng mấy chốc tài nguyên thiên nhiên quý giá đó sẽ bị cạn kiệt. Tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra, lâm tặc vẫn hoành hành nên nhiều cánh rừng đã bị mất, tỉ lệ đất trống, đồi núi trọc tăng nên. Tuy Nhà nước và cá cơ quan chức năng đã vào cuộc, có chính sách khuyến khích trồng rừng nhưng tỉ lệ khôi phục vẫn chưa cao. Đối với biển, bởi làm du lịch không có quy hoạch, không xử lí tốt vẫn đề rác thải nên biển Việt nam cũng đang chết dần bởi rác. Một số nhà mấy công nghiệp xả nước thải công nghiệp trực tiếp ra biển khiến biển bị nhiễm độc, cá chết hàng loạt. Nhiều tàu thuyền đánh bắt cá bừa bãi, dùng cả bom, mìn để đánh bắt... Chính con người đang đối xử bất công với thiên nhiên, với rừng và biển cả. Nếu không thức tỉnh và hành động chính cuộc sống của con người sẽ bị tổn hại.

    Con người đã quá chủ quan, vô tâm với mẹ thiên nhiên nên đã đối xử với tài nguyên như vậy. Do bản thân con người thiếu hiểu biết, không lường hết được hậu quả khi khai thác và sử dụng tài nguyên bừa bãi. Cũng một phần do đói nghèo, người dân sinh lòng tham, hám lợi cá nhân mà quên đi cái lợi của đất nước. Một số đối tượng do lợi ích cá nhân mà bất chấp vi phạm pháp luật, vẫn khai thác rừng trộm, phá hoại tài nguyên biển. Đôi khi cũng phải kể đến luật pháp còn nhiều kẽ hở cho những kẻ biết lợi dụng thừa cơ gây tội ác. Chung quy lại, tất cả vẫn là do ý thức con người còn kém, chỉ chăm chăm lợi ích cá nhân mà hồn nhiên đối xử bất công với chính sự sống của mình và nhiều người khác.

    Để hàng ngàn năm sau thậm chí lâu hơn nữa con cháu chúng ta vẫn tự hào bởi được sống trong một đất nước “Rừng vàng biển bạc” thì ngay bây giờ con người cần có những hành động thiết thực. Cùng chung tay bảo vệ rừng và biển, không xả rác bừa bãi, không chặt phá rừng tùy tiện. Có kế hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên rừng, biển hợp lí, lâu dài. Tích cực trồng cây gây rừng, dọn rác ở ven biển... Con người cùng nhau tuyên truyền, đấu tranh loại bỏ những mối nguy hiển của rừng và biển. Mỗi người cần tôn trọng pháp luật, tôn trọng tài nguyên như tôn trọng chính cuộc sống của chúng ta. Có như vậy rừng mới có thể vàng, biển mới có thể bạc về lâu về dài.

    Nói tóm lại, “Rừng vàng biển bạc” là câu thành ngữ ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng đã tóm gọn lại tài nguyên của nước ta, lòng tự hào của cha ông cũng như lời nhắn nhủ bảo vệ rừng và biển của cha ông đến thế hệ sau. Mỗi người hãy cùng chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên để góp phần vào công cuộc xây dựng, làm giàu cho đất nước hôm nay và mai sau.