Đề bài: Thuyết minh về loài hoa là biểu tượng đất nước: Hoa Sen.

Bài văn mẫu - Hoa Sen

Việt Nam của chúng ta là một đất nước không có quốc hoa chính thức. Nhưng cứ mỗi khi nhắc đến một loài hoa tiêu biểu cho đất nước mình, mang bản sắc của dân tộc mình thì loài hoa xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ mỗi con người chính là hoa sen. Sen là một loài hoa thuần Việt, cũng là một loài hoa thanh cao và giản dị.

Sen là một loài thực vật thuộc chi sen. Đây là một loại cây hoa có từ thời cổ đại mọc bên bờ sông Nin và được người dân Ai Cập sùng kính như một loài hoa linh thiêng, luôn luôn được sử dụng trong những ngày tế lễ. Hiện nay, dù sẽ không còn nhiều ở Châu Phi nhưng ngược lại lại phát triển vô cùng mạnh mẽ tại khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Sen là một loại cây dễ trồng và có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, cây phù hợp sống ở dưới nước.

Bộ phận dưới cùng của hoa sen là thân và rễ thân và rễ. Rễ của sen thường sẽ mọc từ củ sen trong những lớp bùn đất dưới các ao hồ. Rễ sen có thể dài tới 3 m. Thân sen nhỏ và dài,có thể cao tới hơn 1 mét. Thân sen màu xanh, có thể vươn dài lên trên mặt nước. Xung quanh thân sen có thể có những gai li ti. Các gai này sẽ ngày càng nhọn hơn nếu như sen già. Lá sen to bản và có đặc tính không thấm nước. Lá sen có thể dài tới 20 cho tới 30 cm, phần mép ngoài của lá hơi uốn cong xuống bên dưới. Mặt trên của lá được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên có màu xanh thẫm hơn. Mặt dưới không được tiếp xúc với ánh mặt trời nhiều sẽ có màu xanh nhạt hơn. Một điều đặc biệt của lá sen đó là gân lá không phải hình xương cá như các loại cây hoa khác mà tỏa tròn và nổi rõ ở mặt dưới. Hoa sen thường có màu hồng đậm ở bên dưới phần cuống và càng lên trên phần búp hoa thì màu hoa càng nhạt dần. Tuy nhiên cũng có những loại hoa màu trắng hoặc hơi xanh. Khi sen nở, các cánh sen xòe rộng và mọc chồng lên nhau, vẫn còn là hình búp thì các cánh hoa cúp vào nhau giống như hình bàn tay người chụm lại. Hoa sen sẽ thường nở vào mùa hè khoảng tháng 6 tháng 7, hoa có mùi hương thơm nhẹ đem lại cảm giác dễ chịu cho con người. Khi hoa tàn có bát sen, trong bát sen có những hạt tròn nhỏ người ta gọi là hạt sen.

Sen là một loài cây hiếm hoi mà người ta không thể bỏ đi bất kỳ bộ phận nào. Phần củ sen có thể được sử dụng nấu thành các món ăn. Ngó sen có thể được dùng làm gỏi. Lá sen có thể được sử dụng để gói các loại thức ăn như cốm, xôi. Ngoài ra, lá sen phơi khô có thể được sử dụng như là một loại thuốc giúp thanh lọc cơ thể, giảm béo. Hoa sen có thể hái để làm đẹp cho không gian và làm sạch không khí, cũng có thể sử dụng hoa sen, nhụy sen để ướp trà, khiến trà có hương thơm thanh dịu. Hạt sen có thể ăn trực tiếp hoặc được sử dụng để nấu các món chè có tác dụng giúp chữa bệnh mất ngủ. Sen là một loài cây hoa có giá trị rất lớn đối với sức khỏe của mỗi con người cũng như đối với tinh thần của mỗi con người nữa.

Sen là một loại cây có sức sống kỳ diệu nên người ta cũng không cần phải chăm sóc quá nhiều cho cây. Chỉ cần mỗi người trồng sen biết cách duy chì lượng nước để đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất của cây. Cần đặc biệt bổ sung thêm nước vào lá và hoa của cây mỗi khi thời tiết quá cao. Một điều cần thiết nữa là cần phải luôn loại bỏ những lá vàng úa, héo và ngăn ngừa kịp thời sâu bệnh nếu như có dấu hiệu.

Sen từ lâu đã trở thành một loài hoa mang bản sắc văn hóa của dân tộc với những đặc tính vô cùng tốt đẹp như sự thanh khiết. Ngay từ khi hoa nở cho đến tận khi hoa tàn, lúc nào ta cũng thấy loài hoa mang một hương thơm giản dị và trong sạch. Sen còn là một loại cây hoa được biết tới nhưng biểu tượng cho sức sống thần kỳ và khả năng sinh tồn vượt bậc. Mặc dù mọc trên bùn nhưng không bao giờ ta thấy sen bị lấm bẩn. Người Việt ta xưa nay thường dùng sen để ví cho những người thanh cao khí chất.

Sen là một loài cây giản dị, thanh cao gắn liền với nét bình dị của quê hương. Người ta yêu sen, trân trọng sen cũng bởi vì sự thanh cao và giản dị như thế. Mỗi chúng ta nhìn loài cây này để nhớ về quê hương, cũng nhìn loại cây này để phấn đấu trở thành con người có khí chất. Sen là hoa thuần Việt, biểu trưng nhất của dân tộc Việt.