Đề bài: Bình luận câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim"

Bài văn mẫu 1

   Tục ngữ Việt Nam phong phú, sâu sắc về mặt trí tuệ. Nó đúc rút bao kinh nghiệm quý báu của dân gian. Nó nêu lên nhiều bài học ứng xử có giá trị thực tiễn lâu bền. Có câu tục ngữ như một chân lí bất biến, một châm ngôn hành động vô giá, nâng đỡ con người đi tới. Tiêu biểu là câu tục ngữ:

 "Có công mài sắt có ngày nên kim" 

   "Sắt " là kim loại rất cứng, nhưng đem công sức ra lao động mài giũa nhiều ngày, nhiều giờ, "mài" bằng một bàn tay khéo léo, một tinh thần bền bỉ của người thợ thủ công thì sẽ tạo ra một chiếc kim để vá may nhỏ bé, xinh xắn, sáng bóng, một vật dụng thiết yếu trong đời sống của mỗi con người, mỗi gia đình. Trong nền sản xuất tiểu thủ công trước đây, từ "sắt" thành "kim " là nhờ "có công mài sắt , hay nói một cách khác là phải lao động bền bỉ, kiên tri và khếo léo. Đó là nghĩa đen, nghĩa hẹp.

   Suy rộng ra, câu tục ngữ hàm chứa một bài học nhân sinh sâu sắc. Từ việc mài sắt nên kim, nhân dân ta nêu lên bài học về rèn luyện đức tính bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại trong cuộc sống để nhắc nhở và giáo dục người đời:

   Câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim" là hoàn toàn đúng.

   Kiên trì, nhẫn nại ià một trong những đức tính vô cùng quý báu của con người. Trong cuộc sống, từ việc nhỏ đến việc lớ con người luôn luôn phải đương đầu với khó khăn, thử thách chồng chất. Nếu nản lòng, thoái chí sẽ thất bại cay đắng. Muốn học tập tốt, muốn lầm ăn giỏi, thực hiện được mục đích, ước mơ, ai ai cũng cần. phải có một trong những phẩm chất là lòng kiên trì, nhẫn nại.

   Quá trình học tập, lao động, chiến đâu là một quá trình khám phá và sáng tạo liên tục. Mỗi chúng ta phải có tinh thần bền bỉ phấn đấu, có niềm tin sáng chói "Có công mài sắt có ngày nên kim" mới gặt hái được kết quả tốt đẹp. Từ chuyện người thợ chuốt ngọc trong cổ tích đến gương sáng hiếu học, kiên nhẫn dùng bàn chân tập viết chiến thắng tật nguyền của Nguyễn Ngọc Ký chẳng đã làm ta cảm động đó sao? Hình ảnh nhà bác học Lương Định Của miệt mài trong phòng thí nghiệm, dãi nắng dầm mưa trên đồng ruộng hàng mấy chục năm trường để lai tạo cho đất nước ta nhiều giống lúa quý, là bài học về tài năng và lòng bền bỉ, nhẫn nại cho tuổi trẻ chúng ta noi theo.

   Tóm lại, câu tục ngữ rất thiết thực vì nó cho ta bài học về rèn luyện bản lĩnh, trau dồi đức tính kiên trì, nhẫn nại.

   Xưa và nay, đối với mỗi người, câu tục ngữ trên như một chân lí, có giá trị giáo dục lớn lao. Nó giúp người đời khắc phục tư tưởng ngại khó, hay nản chí nản lòng trong cuộc sống lao động và học tập. Qua câu tục ngữ, nhân dân ta muốn khuyên bảo người đời "Chớ thấy sống cả mà ngã tay chèo", đừng ngại non cao đường dài mà sợ chồn chân mỏi gối. Hãy giữ niềm tin: "Cớ chí thì nên".

   Học sinh chúng tav thế hệ nối bước cha anh, gánh vác trên đôi vai nhiệm vụ nặng nề xây dựng đất nước "Mười lần đẹp hơn " như Bác Hồ mong muốn. Câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim " tựa như chiếc chìa khóa thần kì mà nhân dân trao cho để mở toang kho báu trí tuệ loài người "Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn – Đúc gan sắt để dời non lấp bể" (Phan Bội Châu), đem tài trí tuổi trẻ tai thiết Tổ quốc phồn vinh.

   Đầu thế kỉ 20, một nhà giáo có đức độ đã khuyên học sinh "Đường đi khó; không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông". Trong kháng chiến, Bác Hồ đã dạy thanh niên:

 "Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên" 

   Lòng kiên nhẫn mà xuất phát từ mục đích lớn lao, lí tưởng cao đẹp thì hiệu quả càng lớn và vững chắc.

   Đọc lại câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim", chúng ta càng thấm thía bài học rèn luyện đức tính kiên trì và nhẫn nại. Con đường tuổi trẻ đi tới ngày mai "Núi cao rồi lại núi cao trập trùng", câu tục ngữ cho ta niềm tin vào sức manh, ý chí và nghị lực để vươn lên không ngừng.