Đề bài: Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về Người.

Bài văn mẫu 1

   "Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Suốt đời, Bác hi sinh cho độc lập, tự do...". Trên đây là câu hát tiêu biểu trong muôn ngàn câu hát, bài thơ ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

   Đất nước Việt Nam tự hào về Bác Hồ bởi Bác chính là sự kết tinh những tinh hoa truyền thống của bản sắc dân tộc. Nhân dân ta đã thấy ở Bác Hồ con người Việt Nam đẹp nhất và nhân dân thế giới gắn liền tên nước Việt Nam với tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam – Hồ Chí Minh.

   Với vai trò của một lãnh tụ cách mạng, Bác đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình đối với dân, với nước. Bác là người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam, cùng Đảng dẫn đường chỉ lối cho dân tộc vùng lên phá bỏ xích xiềng nô lệ thực dân, phong kiến, giành quyền sống tự do. Người chiến sĩ cộng sản lão thành Nguyễn Ái Quốc đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có chủ quyền độc lập thiêng liêng. Nếu so sánh sự nghiệp đấu tranh chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc kéo dài suốt ba mươi năm của dân tộc ta là một con tàu giữa đại dương đầy bão tố thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thuyền trưởng tài ba, sáng suốt, đã đưa con tàu vượt qua trùng trùng sóng gió, cập bến vinh quang.

   Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954 và chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tôn vinh dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất, tuy nhỏ bé mà đã đánh gục hai tên thực dân, đế quốc "khổng lồ" là Pháp và Mĩ. Việt Nam đã trở thành gương sáng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới noi theo.

   Sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ vĩ đại như non cao, biển rộng nhưng Bác lại sống một cuộc sống vô cùng giản dị và tuyệt vời trong sáng. Suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân, Người dành hết cho nhân dân, cho Tổ quốc. Câu nói tâm huyết nếu rõ mục đích phấn đấu và lí tưởng cao cả của Bác Hồ đã làm rung động trái tim bao người: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành... Mục đích ấy, lí tưởng ấy là nguồn sức mạnh vô biên, thôi thúc Bác suy nghĩ, hành động và cống hiến cuộc đời mình cho dân, cho nước.

   Nếp sống giản dị của Bác rất gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Bữa ăn chỉ vài món cá kho, rau luộc, cà muối... Chỗ ở là căn nhà sàn bằng gỗ đơn sơ, xung quanh là vườn cây, ao cá. Quan niệm sống của Bác là: Mình vì mọi người, cho nên Bác lấy cống hiến làm niềm vui, làm hạnh phúc của bản thân. Kính phục và yêu mến Bác, nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:.

   Bác sống như trời đất của ta,

   Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa.

   Tự do cho mỗi đời nô lệ,

   Sữa để em thơ, lụa tặng già.

   Như đỉnh non cao tự giấu hình,

   Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh.

   Bác mong con cháu mau khôn lớn,

   Tiếp bước cha anh, tiến kịp mình.

   (Theo chân Bác)

   Đức tính khiêm tốn, giản dị của Bác đã trở thành huyền thoại. Sau khi Bác mất, căn nhà sàn Bác ở mở rộng cửa đón đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm. Không ai là không xúc động trước những vật dụng gắn bó với Bác gần như suốt cuộc đời: chiếc máy chữ và chiếc đồng hồ cũ kĩ trên bàn làm việc, đôi dép lốp cao su mòn gót... Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối. Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn...

   Bác không bao giờ đòi hỏi điều kiện vật chất tối đa cho riêng mình. Ngược lại, Bác thanh thản, lạc quan trong cuộc sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư nhưng những gì Người để lại cho nhân dân, cho đất nước có thể sánh ngang với núi cao, biển rộng.

   Nhận xét về Bác Hồ, nhà phê bình nghiên cứu văn học Quách Mạt Nhược của Trung Quốc viết: Hồ Chí Minh là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Với trí tuệ kiệt xuất, Bác đã: Hai tay xây dựng một cơ đồ. Đó là sự nghiệp cách mạng vẻ vang, ghi dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì yêu nước, thương dân cơ cực, lầm than trong vòng nô lệ của thực dân, phong kiến nên Bác đã rời Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước.

   Tình nhân ái bao la là cội nguồn tư tưởng, là sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Bác trên con đường cách mạng:

   Bác ơi tim Bác mênh mông thế,

   Ôm cả non sông, mọi kiếp người

   (Theo chân Bác – Tố Hữu).

   Từ trong sâu thẳm tâm hồn, mỗi công dân Việt Nam đều nhận thấy rằng: Người là Cha, là Bác, là Anh. Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ

   (Tố Hữu).

   Trước lúc đi xa vào cõi vĩnh hằng, Bác viết trong di chúc: Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng... Sự ra đi của Bác là một tổn thất lớn lao không gì bù đắp được. Bác đã hóa thân vào sông núi, biển trời... của đất nước Việt Nam mà Người hằng yêu dấu.

   Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân thế giới yêu mến và khâm phục, còn kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính nể bởi Bác Hồ là hiện thân sinh động nhất của truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm. Căm thù chiến tranh, yêu mến hòa bình, nỗ lực cống hiến cho một nền hòa bình, thịnh vượng của toàn nhân loại, những điều đó đã tạo nên sức cảm hóa, thuyết phục lớn lao của Bác. Bác Hồ đã được Hội đồng hòa bình thế giới phong cho danh hiệu cao quý là Chiến sĩ hòa bình, là Danh nhân văn hóa của nhân loại.

   Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại vinh quang cho đất nước Việt Nam dân tộc Việt Nam. Các thế hệ tiếp nối đã đi theo con đường cách mạng đúng đắn mà Bác đã dẫn đường chỉ lối, biến khát khao cháy bỏng của Người thành hiện thực: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh để sánh vai với các cường quốc khắp năm châu.

Bài văn mẫu 2

   Có một con người mà khi nhắc đến tên, những người Việt Nam đều vô cùng kính yêu và ngưỡng mộ, đó là Hồ Chí Minh: vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

   Trước hết ta thấy Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Bác là người chiến sỹ tiên phong trên mặt trận cứu nước đầy gian khổ, lãnh đạo dân ta tới chiến thắng, khai sáng nền độc lập tự do ở đất nước Việt Nam. Người bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường đi và tương lai cho đất nước, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Người đã dẫn dắt dân tộc ta thoát khỏi đói nghèo, đi lên xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp. Tư tưởng của Người có giá trị vô cùng to lớn đối với Cách Mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Người đã hy sinh cả cuộc đời vì nền độc lập tự do của dân tộc, Người yêu nước thương dân sâu sắc, bởi vậy triệu triệu người dân Việt Nam đều là con cháu của Người. Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước nhưng cách đối xử của Bác đối với cá nhân từng người vô cùng thân mật và gần gũi:

   "Bác ơi tim Bác mênh mông thế

   Ôm cả non sông mọi kiếp người."

   (Tố Hữu)

   Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc Việt Nam lại có một vị lãnh tụ giản dị và gần gũi với mọi người như thế: Sống trong ngôi nhà sàn nhỏ, ăn những món ăn dân dã, mặc áo bà ba nâu và tư trang chỉ là một chiếc rương nhỏ và mấy bộ quần áo bạc màu... Có lẽ bởi vậy mà với người Việt Nam, Bác Hồ không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là vị lãnh tụ vĩ đại được mọi người dân Việt Nam kính yêu và ngưỡng vọng.

   Bác Hồ còn được biết đến ở cương vị một danh nhân văn hoá thế giới. Bác dã từng là chủ bút tờ báo "Người cùng khổ " ở Pháp, đã từng viết "Bản án chế độ thực dân Pháp" gây tiếng vang lớn. Người còn là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam với những tập truyện ký bằng tiếng Pháp, "Tuyên ngôn độc lập" và "Nhật ký trong tù" cùng rất nhiều những vần thơ khác nữa... Bác Hồ đã từng đi khắp các châu lục trên thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng, am hiểu nền văn hoá của nhiều dân tộc. Bác đã rèn giũa và tạo dựng cho mình một phong cách riêng, kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, thanh cao và giản dị, giữa tinh hoa văn hoá nhân loại và tinh hoa văn hoá Việt Nam.

   Mặc dù Bác đã đi xa nhưng trong lòng mọi người dân Việt Nam Bác vẫn là người đẹp nhất:

   Tháp Mười đẹp nhất bông sen

   Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

   Càng tìm hiểu về cuộc đời vĩ đại và cao đẹp của Bác, em càng kính yêu và tự hào về Bác hơn. Điều đó khơi dậy trong em mong muốn học tập, phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện để trở thành con người có ích cho xã hội. Bác là tinh hoa khí phách của dân tộc, cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng. Bởi vậy mà chúng ta cần "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại".

Bài văn mẫu 3

   Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng và trong toàn xã hội đang được triển khai. Tấm gương đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được nêu là: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.

   Suy nghĩ về các cấp độ đạo đức, thì Bác Hồ chúng ta là tấm gương sáng tuyệt đẹp về cả bốn cấp độ:

   Một là đạo đức làm người về cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư.

   Hai là đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân về ý thức tổ chức và kỷ luật, ý thức tập thể, đặt cái "tôi" trong "chúng ta".

   Ba là đạo đức người chiến sĩ cộng sản, sống phấn đấu cho lý tưởng Chủ nghĩa Cộng sản, triệt để giải phóng con người, có ý thức trách nhiệm trong vai trò tiên phong, gương mẫu lôi cuốn quần chúng theo Đảng, bền chí tự học, đóng góp cho Đảng "cái đầu lạnh" với "trái tim nóng".

   Bốn là đạo đức của vị lãnh tụ của một Đảng Cộng sản cầm quyền, có uy tín lớn được cả dân tộc tin yêu nhưng luôn giữ đức khiêm tốn, sống giản dị, chống mọi đặc quyền đặc lợi, không thích được tâng bốc, sùng bái cá nhân, đề xướng nguyên tắc tổ chức Đảng là dân chủ tập trung, coi người lãnh tụ là nhân vật trung tâm đứng cùng hàng để lôi cuốn toàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lôi cuốn toàn Đảng, toàn dân làm cách mạng theo hình vòng xoáy.

   Không muốn lãnh tụ tự coi mình là người đứng ở đỉnh chóp của Đảng, của dân tộc, công lớn nhất giành về mình với lòng ham muốn được tung hô là vĩ đại. Và chính Bác Hồ chúng ta với cái đức như vậy mới thật là vị lãnh tụ vĩ đại.

   Trong bốn cấp độ về đạo đức nêu trên, Bác Hồ luôn xem đạo đức làm người là gốc, là nền tảng. Bác Hồ cho rằng trời có bốn mùa, đất có bốn phương, người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một đức không thành người. Ở trang đầu cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc, là trường Đảng ở Trung ương, nơi bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trung, cao cấp, Bác Hồ viết: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư".

   Việc nghiên cứu lý luận Mác-Lênin để hiểu sâu thêm về đạo đức trong đó có đạo đức làm người, nhưng hiểu về lý lẽ để trả bài thì dễ còn hiểu mà làm theo được là vấn đề khó.

   Tôi nhớ, ngày 15-4-2003, Báo Công an Thành phố đưa tin, có anh Đồng, tài xế tắc xi, đã tìm cách trả lại cho khách là vợ chồng người Mỹ Billy Leepol một túi xách, trong đó có 18.800 USD và 49 triệu 400 đồng Việt Nam.

   Đối với người lái xe tắc xi, đó là số tiền khá lớn, nếu lấy cũng không sợ bị phát hiện, nhưng anh Đồng không tham, đã trả lại cho khách. Hỏi ra, thì đã được trả lời đơn giản rằng, không tham vì đã nhập tâm lời mẹ dặn, là phải ráng làm lấy mà ăn, đừng tham của người khác, hễ tham thì thâm thôi.

   Như vậy dạy để hiểu lý lẽ về đạo làm người không khó, nhưng hiểu mà làm theo là phải nhập tâm tức là phải thấm sâu vào lòng mình, thành lương tâm của mình như anh Đồng, đối với nhiều người không phải dễ.

   Phải có lương tâm làm người mới có hành vi đạo đức làm người. Chúng ta cũng biết có cán bộ gọi là cao cấp, được học khá nhiều về lý luận, về chính trị, tư tưởng, nhưng chỉ tham ăn hối lộ mấy ngàn đô la mà đang tâm làm điều phạm tội, chính là vì học nhiều nhưng chưa nhập tâm.

   Để có hành vi đạo đức làm người, cần phải nhập tâm rằng, trong con người có "con" và có "người". Hành vi theo "con" là theo bản năng sống như loài động vật, hành vi theo "người" là hành vi có ý thức về làm người, tức là sống có suy nghĩ về cái vinh cái nhục, cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, để giữ cho cuộc sống con người có niềm vui và hạnh phúc vì đã làm được điều vinh, điều đúng, điều tốt.

   Muốn phát huy được nhân tính, ngoài việc đấu tranh kềm chế thú tính, còn phải chống chủ nghĩa cá nhân vì nó dẫn đến những hành vi sai trái với đạo đức làm người.

   Tu dưỡng đạo đức làm người phải là việc tự giác của mỗi người và sự phán xét của xã hội về đạo làm người đối với mỗi con người là hoàn toàn tự do, không một quyền lực nào có thể ngăn cấm.

   Tuy nhiên kiểm tra phán xét thật chính xác về đạo đức của bản thân mình chỉ có lương tâm mình. Người ta có thể tạm thời che dấu lỗi lầm của mình về đạo đức để được khen lầm, kính phục lầm đối với mình.

   Nhưng, nếu có ai làm như vậy thì ngoài sai lầm về đạo đức còn mang thêm tội lừa dối. Khi lương tâm được thức tỉnh, sự ân hận sẽ tăng lên gấp bội. Ân hận là biểu hiện sự trừng phạt của lương tâm.

   Nhưng nếu phạm sai lầm mà có sự ân hận sâu sắc thì có thể tránh được tái phạm. Táng tận lương tâm, làm điều giả dối, điều xấu, điều ác mà không ân hận là không còn tính người.

   Giữ được trọn vẹn đạo làm người rất khó, phải tự rèn luyện thường xuyên, liên tục, đừng để khôn 50 năm mà buông lỏng tu dưỡng để dại chỉ một giờ mà hỏng cả cuộc đời.

   Các biểu hiện về suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là suy thoái từ gốc.

   Người là một vị lãnh tụ, là một anh hùng, là một danh nhân nên chúng ta phải học và làm theo gương của người.